Skip to main content

Học Lịch sử tại VFIS

Lịch sử, trong nhận thức phổ biến hiện nay, là những câu chuyện phủ kín bụi thời gian. Tại VFIS, chúng tôi nghĩ khác: Lịch sử tồn tại trong hơi thở của cuộc sống.

Trong thế giới toàn cầu hóa, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cùng lúc đối mặt với hai vấn đề dường như mâu thuẫn nhau: giữ gìn bản sắc văn hóa Việt và hòa nhập với thế giới, trở thành công dân toàn cầu. Môn Lịch sử có khả năng góp phần tạo ra sự cân đối trong nhận thức và hành động. 

Ở khía cạnh thứ nhất, tìm hiểu lịch sử sẽ cho thế hệ trẻ nhận thấy mối liên kết của họ với tổ tiên, họ là sự tiếp nối của dân tộc Việt, cả vinh quang lẫn cay đắng, cả hãnh diện lẫn xấu hổ, để họ biết rằng họ là những người có gốc rễ chứ không phải lang thang vô định. Tự hào với thành tựu của tổ tiên sẽ có ý thức phát huy; nhận thấy những lầm lỗi của tiền nhân sẽ có ý thức tự rèn luyện để những xấu hổ, cay đắng không còn lặp lại nữa. Nhờ vậy, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về chính mình, sẽ nhìn thấy chính mình ở quá khứ lẫn tương lai, là một “gạch nối” đầy trách nhiệm, một thành viên gắn kết của dân tộc Việt.

Ở khía cạnh thứ hai, tìm hiểu lịch sử sẽ cho thế hệ trẻ nhận thấy mối liên kết của họ với thế giới xung quanh. Khi được tìm hiểu về các nền văn minh của nhân loại, hành trình mà nhân loại đã trải qua với nhiều khoảnh khắc vui sướng lúc tìm ra chân lý, cũng lắm khi trĩu nặng nỗi buồn thương vì chiến tranh, giận dữ, căm thù, sợ hãi, thế hệ trẻ sẽ trân quý, chia sẻ các giá trị mà nhân loại đã tạo dựng; tôn trọng sự khác biệt; cùng nhau giữ gìn hòa bình, xây đắp hiện tại và tương lai trong tinh thần hợp tác, ôn hòa, phi bạo lực. Càng hiểu biết nhiều, càng thưởng thức được vẻ đẹp của thế giới, càng nhiều khoan dung và đầy trắc ẩn. 

Chương trình môn Lịch sử tại VFIS được thiết kế dựa trên các nền tảng vừa nêu. 

Khi tham gia các hoạt động học tập trong môn Lịch sử tại VFIS, học sinh sẽ được rèn luyện các tư duy đặc trưng của lịch sử (tư duy nguyên nhân - kết quả, tư duy theo trình tự thời gian), các kỹ năng thuyết trình, tìm kiếm và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn; tham dự vào nỗ lực khôi phục câu chuyện như nó đã xảy ra, đồng cảm với quá khứ, và luôn suy tư về câu hỏi: Kiến thức và tư duy Lịch sử được ứng dụng như thế nào trong đời sống hiện tại? Trong giờ học Lịch sử, tư duy phản biện, chia sẻ quan điểm riêng và tôn trọng sự khác biệt là yêu cầu xuyên suốt đối với học sinh lẫn giáo viên.

Học Lịch sử là hành trình khám phá chính mình và thế giới. 

Hồ Thanh Tâm 
Thạc sĩ Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Việt