Skip to main content

Những giáo viên đáng nhớ

Sinh ra tại Helsinki (Phần Lan) nhưng cuộc sống đã dẫn lối tôi đến nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới như: Dar es Salaam, New York, New Haven, Sydney, Lohja và nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Là con gái của một người mẹ Úc và cha người Phần Lan, tôi được hưởng một đặc quyền ngay từ khi mới chào đời, đó là lớn lên với hai ngôn ngữ và đi khắp quả địa cầu này.

Nhìn lại những tháng năm còn ngồi trên ghế nhà trường, điều tôi nhớ nhất chính là các thày-cô của mình. Khi học tiểu học ở Helsinki, tôi nhớ cô Leena Andersen, người luôn mang đến những bài giảng sống động và gieo vào tâm hồn những cô cậu học trò nhỏ tình yêu âm nhạc và ngôn ngữ. Ở trường UNIS tại New York, tôi nhớ thày giáo lịch sử và xã hội người Mỹ gốc Israel: Tom Wilson. Thày vừa dạy học, vừa là nghiên cứu sinh. Niềm say mê của thày với môn học là động lực để tôi theo đuổi đam mê học thuật, thay vì chạy theo những điều thực dụng khác.

Là sinh viên tại Đại học Yale, tôi nhớ nhất khi tham dự một hội thảo về báo chí, thày Fred Srebeigh đã dạy chúng tôi rằng: mỗi câu chuyện cần có “điểm nhấn” và thày đã kể về hành trình thày nêu bật những điểm nhấn đó như thế nào. Bài học gợi mở trước mắt tôi về nghệ thuật tả thực, làm sao để kết hợp tính chân thực và sáng tạo trong cùng một câu chuyện. 

Khi nhận được bằng Thạc sỹ tại Đại học Helsinki lại là một trải nghiệm khác với tôi. Những mục tiêu của tôi lúc đó rõ ràng hơn nên việc vừa học vừa làm cũng trở nên dễ dàng. Những bài giảng của cô Teija Tiilikainen về Liên minh Châu Âu và hội thảo của thày Jani Johanson về nguồn vốn xã hội đã cho tôi một nhận thức mới: sức mạnh của các tổ chức chính là niềm tin và các mối quan hệ xã hội.

Trong gần 20 năm làm việc tại Trường The English School (TES) tại Helsinki, tôi là giáo viên và trở thành quản lý. TES là một ngôi trường song ngữ được thành lập năm 1945, nơi học sinh háo hức đến trường, cha mẹ quan tâm về giáo dục song ngữ và nơi đồng nghiệp luôn nỗ lực hết mình để vun đắp cho mỗi hạt giống trở thành một người tốt cho xã hội.

1

Và hiện tại là một thử thách mới với tôi. Tôi vinh dự được tham gia một dự án giáo dục với nhiều khát vọng: Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan (VFIS). Chúng tôi có một ngôi trường khang trang với sự cam kết chất lượng giáo dục bởi phụ huynh, giáo viên và đội ngũ điều hành. Khi hai quốc gia cùng chung một tầm nhìn vì một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau; thì những thành quả như mong đợi chắc chắn cũng sẽ được bảo đảm.

Đôi khi tôi nghe người ta nói: Vị trí số 1 là mục tiêu quan trong nhất một người cần hướng đến. Nhưng ở Phần Lan, chúng tôi khởi đầu từ một đứa trẻ. Điều gì là tốt nhất cho chúng? Xã hội phải làm gì để bảo đảm mỗi đứa trẻ lớn lên trở thành một thành viên khỏe mạnh, hạnh phúc và biết chịu trách nhiệm?. Thông qua giáo dục, chúng tôi muốn trao cho trẻ em năng lực để tìm ra điểm mạnh, tài năng của mình và thành công sẽ đến. Một cá nhân có nhiều con đường để thành công. Nhiệm vụ của người giáo viên là giúp học sinh khám phá “định mệnh” cuộc đời của mình. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, không điều gì là không thể; và tại VFIS, chúng tôi muốn học sinh hiểu điều đó.

Tôi nghĩ bất kỳ một người trưởng thành nào cũng đều có ít nhất một giáo viên mà họ ghi nhớ và biết ơn suốt đời. Tôi hy vọng rằng học sinh của chúng tôi sẽ tìm thấy một người thày như vậy hoặc nhiều hơn thế tại Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan.

Cô Seija Nyholm

Tổng Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan