Skip to main content

Định hướng tương lai

Nhìn từ trên cao, khuôn viên của trường quốc tế Việt Nam Phần Lan (VFIS) có hình dáng con rùa giữa một hồ nước. VFIS là khối nhà ba tầng với tổng diện tích xây dựng hơn 50 ngàn m² trên diện tích năm héc ta trong khuôn viên đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Khi hoạt động đầy đủ trong khoảng 5 năm tới, trường học có linh vật là chú rùa ngộ nghĩnh đi giày trượt pa-tanh sẽ cung cấp không gian cho trên 2.000 giáo viên, học sinh.

Do các kiến trúc sư Phần Lan thiết kế và kiểm soát chất lượng xây dựng, ngôi trường này được xem là đáp ứng chuẩn Phần Lan đầu tiên tại Đông Nam Á, có quy mô gấp hai lần trung bình ngôi trường tương tự tại Phần Lan. Đây cũng là ngôi trường phổ thông quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do một trường đại học công lập thành lập.

2

Nhưng đó chỉ là “phần xác” của một ngôi trường. Điều đáng chú ý là “phần hồn” – tư duy, triết lý hay phương pháp giáo dục Phần Lan lần đầu tiên được đưa đến Việt Nam với sự kiểm định của ủy ban Giáo dục Quốc gia thuộc bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan. Trên thực tế, tiếng tăm về giáo dục Phần Lan bay xa hơn sản phẩm giáo dục cụ thể, khi các sản phẩm giáo dục Phần Lan ở châu Á còn rất ít, mới chỉ vài cơ sở nhỏ ở Trung Đông và sắp tới là Trung Quốc.

Với hơn năm triệu dân, Phần Lan nổi tiếng với hệ thống an sinh xã hội phát triển toàn diện và tiến bộ hàng đầu trên thế giới, và gần đây liên tục ngạc nhiên cho các nhà giáo dục, khi triết lý giáo dục, mô hình giảng dạy đã đem đến kết quả học tập vượt trội so với những quốc gia vốn có lịch sử xuất khẩu giáo dục lâu đời như Anh, Mỹ hay Úc. Một cách ngắn gọn, đó là triết lý giáo dục không thi cử, không cạnh tranh, không đánh giá người học dựa vào điểm số hay thành tích học tập, thời gian học tập ở trường ngắn, và cơ hội học tập bình đẳng, miễn phí với bất kỳ ai muốn học tập, đặc biệt là trẻ em luôn được ưu tiên toàn diện để có cơ hội ngang nhau trên con đường học vấn. Triết lý này đối ngược với tư duy giáo dục nặng về thi cử, bằng cấp.

3

VFIS là một thử nghiệm mới của trường ĐH có lịch sử 22 năm trong quá trình hội nhập giáo dục quốc tế. Với mức học phí hơn 400 triệu đồng cho hệ quốc tế (chương trình học Phần Lan dạy bằng tiếng Anh) và hơn 200 triệu đồng cho hệ song ngữ (tích hợp chương trình phổ thông Phần Lan với chương trình phổ thông Việt Nam), ngôi trường này dành cho những gia đình có điều kiện vượt trội về tài chính muốn con cái tiếp cận một môi trường giáo dục khác biệt tại một quốc gia có nhiều nền tảng xã hội rất khác biệt với Phần Lan. Về mặt địa lý, Phần Lan rất xa xôi với Việt Nam, và chỉ có khoảng 150 người Phần Lan đang sống ở Việt Nam.

7

Ý tưởng để VFIS ra đời xuất phát từ mong muốn của GS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng kiêm nhà sáng lập VFIS. Ông nhận thấy nhiều trường đại học trên thế giới đều có những trường phổ thông nằm trong khuôn viên đại học. “Từ năm 1996, tôi đã ấp ủ phải xây dựng một ngôi trường phổ thông trong một trường đại học,” GS Danh cho biết.

Việc tham gia vào bậc giáo dục phổ thông nhằm hiện thực hóa mong muốn của nhà lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng, để có thể tham gia vào một vòng tròn khép kín trong 12 năm ở trường học của một con người, nhằm “đào tạo một con người có đủ triết lý sống, hiểu về cuộc sống, nhân sinh quan, lý do vì sao tồn tại, tồn tại để làm gì và xây dựng cho mình mục tiêu sống rõ ràng.” GS Danh tin rằng để đạt mục tiêu thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai thì không thể chỉ trông chờ bốn năm ở bậc đại học như hiện nay. Việc điều hành một trường phổ thông được kỳ vọng sẽ giúp những nhà giáo dục chọn những con người tinh hoa, ưu tú, có tố chất để dành có những chế độ đào tạo đặc biệt cho họ ở đại học và sau đại học.

7

Khuôn viên của VFIS gồm hệ thống lớp học tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu. Trong đó, có các phòng học chuyên môn về khoa học, nghệ thuật, thủ công; phòng thí nghiệm, phòng thực hành bếp, hệ thống thư viện truyền cảm hứng, hệ thống sân chơi đa dạng trong và ngoài trời… với các thiết bị được nhập khẩu hoàn toàn từ Phần Lan. Giáo viên hướng dẫn những môn học này là người Phần Lan, với mục tiêu dạy cho học trò các kỹ năng tự sinh tồn trước khi nhắm tới những mục tiêu lớn lao khác.

“Tất nhiên sẽ có những thách thức khi chúng tôi cố gắng đưa vào hai mô hình giáo dục, hai chương trình giảng dạy, và ngay cả cha mẹ học sinh ở đây cũng có những kỳ vọng khác nhau,” bà Seija Elina Nyholm, tổng hiệu trưởng VFIS cho Forbes Việt Nam biết khi nói về hai mô hình quốc tế và song ngữ mà nhà trường bắt đầu thực hiện từ năm học 2019 – 2020. Trong sáu tháng tuyển sinh vừa qua, bà phải từ chối một số phụ huynh muốn tập trung cho con cái vào thi cử, và nói rằng mô hình VFIS không phù hợp với con họ. “Chúng tôi cố gắng tránh xa các kỳ thi mang tính tiêu chuẩn quốc gia,” bà Seija cho biết. Vì “cạnh tranh cũng rất quan trọng, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để học.”

2

Trong năm học đầu tiên, VFIS đã tuyển đủ học sinh cho 14 lớp học, từ lớp 1-5. Pasi Toiva, giám đốc điều hành công ty tư vấn WCF, nơi tư vấn thiết kế chương trình giảng dạy được cơ quan Giáo dục Phần Lan thông qua và tuyển giáo viên nước ngoài cho VFIS cho biết, thông thường sẽ cần từ 5 – 10 năm để một mô hình quy mô như VFIS có thể có lợi nhuận. Theo thông tin từ ĐH Tôn Đức Thắng, VFIS sẽ theo mô hình phi lợi nhuận: lợi nhuận sẽ tái đầu tư cho các hoạt động tại VFIS.
Giáo dục ở trường học sẽ thực sự phát huy hiệu quả khi chia sẻ được các giá trị với giáo dục nền tảng tại gia đình và xã hội. Với mục tiêu đánh thức và phát triển những tiềm năng riêng của mỗi học sinh, sự xuất hiện của mô hình giáo dục Phần Lan tại Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của nhà đầu tư, nhà giáo dục, và cả sự dũng cảm của các gia đình ở Việt Nam.

3

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 76, tháng 9.2019

Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền Forbes Vietnam