Giáo viên Việt Nam cần được trả lương cao hơn
Từng học tập và giảng dạy ở cả 5 châu lục, trong đó có Việt Nam, bà Seija Nyholm cho rằng giáo viên Việt Nam cần được quan tâm hơn về đời sống và sự tự do trong công việc.
Seija Nyholm
Bà Seija Nyholm tốt nghiệp Cử nhân Ngành ngôn ngữ và văn học Anh tại đại học ở Yale (Mỹ). Bà Seija cũng tốt nghiệp thạc sĩ về Nghiên cứu quản trị và tổ chức tại Phần Lan. Bà Seija Nyholm hiện là hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan.
Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng của mình đến với những nhà giáo Việt Nam. Bất kỳ ai mang trong mình trách nhiệm chăm nom, đồng hành cùng sự phát triển của một đứa trẻ đều đáng được trân trọng.
'NGHỀ GIÁO KHÔNG DỄ DÀNG NHƯNG LÀ CÔNG VIỆC ĐÁNG LÀM NHẤT THẾ GIỚI'
Tuổi thơ và tuổi trẻ là khoảng thời gian diễn ra nhiều thay đổi quan trọng của đời người. Trong suy nghĩ của tôi, khoảng thời gian ấy rất thiêng liêng. Người lớn có trách nhiệm trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng con em mình. Một sự trùng hợp thật thú vị, bạn biết đấy, ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày Trẻ em thế giới.
Giáo viên là người sẵn sàng chia sẻ những gì họ biết về thế giới và tin vào lòng tốt của con người. Để trở thành một giáo viên xuất sắc, bạn phải hiểu biết sâu về bản chất con người và có lòng trắc ẩn đối với thế giới xung quanh. Trong khi chúng ta đang nói về giáo viên, trường học như một nghề nghiệp, thì phải chăng, sẽ có rất nhiều người ở nơi khác cũng có thể là "giáo viên" dù đang làm những công việc khác nhau.
Quan điểm của tôi về giáo viên Việt Nam không thay đổi trong suốt hai năm làm việc ở đây. Thế mạnh lớn nhất của giáo viên Việt Nam là sẵn sàng học hỏi và phát triển. Đó cũng là dấu ấn của bất kỳ giáo viên giỏi nào. Nhưng với tôi, tất cả người đứng trên bục giảng nào đều là sản phẩm từ chính nền giáo dục. Để trở thành người thầy, cô tốt hơn, họ cần nỗ lực nhiều để thoát khỏi những gì được dạy.
Do đó, mỗi thầy, cô cần chuẩn bị cho học sinh bước vào tương lai hơn việc quay về quá khứ. Điều này cho thấy việc phát triển chuyên môn thông qua chia sẻ rất quan trọng, giúp giáo viên tìm thấy và nâng cao năng lực của chính mình.
Tôi luôn cảm ơn những người thầy, cô, bởi công việc khó khăn mỗi ngày họ trải qua, cần ở họ sự kiên nhẫn và nhiều năng lượng. Nghề giáo không dễ dàng nhưng đó cũng là một trong những công việc đáng làm nhất trên thế giới.
GIÁO VIÊN VIỆT NAM CẦN ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG CAO HƠN
Trong hơn 2 năm ở Việt Nam, điều duy nhất khiến tôi thay đổi là sự hiểu biết về xã hội và những thách thức trong giáo dục, nơi giáo viên tại đây phải đối mặt.
Có được bằng cấp để giảng dạy chỉ là bước khởi đầu của một hành trình dài để trở thành một giáo viên xuất sắc. Là giáo viên, bạn không bao giờ cảm thấy đủ, sẽ luôn có cảm giác mình có thể làm tốt hơn. Đó là lý do tại sao giáo viên lại là nghề thú vị đến thế.
Tất cả chúng ta đều là sản phẩm của nền giáo dục của đất nước mình. Tôi đã rất may mắn được học ở ba lục địa châu Phi, châu Âu, châu Mỹ. Tôi giảng dạy ở bốn lục địa châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Âu và bây giờ là châu Á.
Tôi cho rằng sẽ rất áp lực nếu coi trường học như một nhà máy. Bạn không thể xem một đứa trẻ như nguyên liệu thô đầu vào, để sản xuất ra thành phẩm là một người lớn sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động.
Tôi cho rằng sẽ rất áp lực nếu coi trường học như một nhà máy. Bạn không thể xem một đứa trẻ như nguyên liệu thô đầu vào, để sản xuất ra thành phẩm là một người lớn sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động.
Trường học đích thực không phải là một nhà máy. Lợi ích của giáo dục sâu sắc và khó đo lường được.
Người giáo viên giảng dạy trong hệ thống họ được chỉ định. Vì vậy, muốn thay đổi trường học cần đến từ các nhà lãnh đạo. Họ có mong muốn cầu tiến và đổi mới không? Họ có sẵn sàng cung cấp cho giáo viên nguồn lực, sự tự do để hoàn thành tốt công việc của mình không?
Mỗi hệ thống giáo dục đi trên con đường riêng, phản ánh xã hội và lịch sử của mỗi quốc gia. Ở Phần Lan, chúng tôi kiên định với một số giá trị nhất định, chẳng hạn như bình đẳng, điều này rất quan trọng. Còn ở Việt Nam, những giá trị nào là quan trọng? Hệ thống giáo dục của các bạn sẽ phản ánh những giá trị đó.
Tôi nghĩ giáo viên Việt Nam cần được trả lương cao hơn. Người giáo viên làm việc với học sinh, chuẩn bị giáo án, đánh giá kết quả học tập, giao tiếp với phụ huynh và đồng nghiệp. Những công việc này đều rất vất vả. Thầy cô hầu như phải tương tác và động não liên tục với nhiều thử thách.
Học sinh đang trong độ tuổi phát triển, chưa trưởng thành, vẫn đang tự hỏi họ là ai và đang đi tìm lẽ sống. Việc giáo viên chăm sóc cho các em không dễ dàng và đòi hỏi lòng trắc ẩn.
Với tư cách là một chuyên gia, tôi nghĩ xã hội ngày nay rất may mắn bởi đa số giáo viên không phải là những người theo đuổi chủ nghĩa vật chất và lòng tham. Tất nhiên, ở đâu cũng có những trường hợp ngoại lệ.
Chúng ta cùng hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ sớm có những thay đổi nhằm mang đến cho giáo viên và trường học những nguồn lực và sự tự do để thực hiện tốt nhất công việc của mình. Cùng nhau, người lớn có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả học sinh và cho hành tinh này.
Theo Zingnews.vn