Skip to main content

Tài năng VFIS | Nguyễn Huỳnh Ngọc Khánh và hành trình đến Liên Hợp Quốc

Với lượng kiến thức hiện tại, tôi luôn nghĩ rằng năng lực của mình chỉ dừng lại ở mức trung bình và thường đánh giá thấp bản thân mỗi khi so sánh với các bạn đồng trang lứa. Thế nên chẳng khi nào tôi cố gắng hết sức để trở thành phiên bản tốt hơn vì tôi đã giảm bớt những kỳ vọng tôi đặt lên bản thân. 

Thế nhưng, vào đầu năm 2023, tôi đã tạo nên sự khác biệt để chứng mình ý nghĩ trên thật sai lầm. Tôi quyết định một mình sang nước ngoài để tham gia một trong những Hội nghị lớn nhất dành cho những học giả trên khắp thế giới. Tôi muốn thay đổi những điều quanh mình, khám phá môi trường mới, gặp gỡ những con người mới và hơn hết là khiến bản thân tôi có cái nhìn mới về thế giới này. Cứ như thế, nước ngoài - một mình - một tháng và đây là câu chuyện của tôi: 

“Giấc mơ Mỹ” là cụm từ mà tôi thường nghe những người từng đến vùng đất này miêu tả về nó. Tôi đã luôn suy nghĩ về những cơ hội mang tôi đến Mỹ vào một ngày nào đó, nhưng chưa bao giờ dù chỉ là ý nghĩ thoáng qua rằng tôi sẽ được tham dự sự kiện vô cùng thú vị và ý nghĩa như YMUN - Yale Model United Nation (Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Đại học Yale). Và dù chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một tuần nhưng YMUN đã để lại những ký ức tuyệt vời mà tôi luôn muốn sống lại thời gian ấy một lần nữa. 

Tôi đoán rằng đã có hàng nghìn đại biểu có mặt vào ngày khai mạc. Cảm giác lúc bấy giờ trong tôi như một chú cá gặp được vùng nước của riêng mình vậy.  Những vị đại biểu tham dự Hội nghị đến từ nhiều nơi khác nhau, thậm chí cách xa nửa vòng Trái đất như tôi đây, khiến cho trải nghiệm này lại càng thêm đặc biệt. Đó cũng chính là cơ hội tuyệt vời để tôi học hỏi, giao lưu văn hóa cùng nhiều người bạn khắp 5 châu, điều tôi chưa từng trải nghiệm qua trong nước. 

YMUN được tổ chức với rất nhiều hoạt động dành cho đại biểu tham gia. Tôi thực sự còn xa lạ với mô hình Hội nghị Liên Hợp Quốc nên không tránh khỏi những cú sốc văn hóa trong buổi họp mặt đầu tiên. Khi ấy, tôi đã đóng vai trò là đại biểu của Hàn Quốc, lấy bối cảnh là Ủy ban ECOSOCs. 
Đã có rất nhiều cuộc đối thoại  diễn ra giữa những đại biểu tài năng. Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, các phiên thảo luận diễn ra trong 3 giờ mỗi lượt và việc sử dụng các thiết bị điện tử cũng bị cấm nghiêm ngặt. 

Tôi đã cảm thấy mình chưa chuẩn bị kỹ và vô cùng hồi hộp trong ngày đầu tiên. Mọi người trông có vẻ như hiểu rất rõ những gì đang diễn ra ngoại trừ tôi. Nỗi lo sợ khiến tôi không thể lên tiếng và trở thành một người thầm lặng trong suốt các phiên tranh luận. 
Khi ấy, tôi nghĩ rằng chính hội chứng sợ xã hội của tôi đã khiến cho trải nghiệm tuyệt vời này trở nên vô nghĩa. 


Nhưng cuối cùng, thực tế đã vượt xa so với mong đợi của tôi. Tôi đã cố gắng thoát khỏi vùng an toàn của bản thân để giao lưu và cải thiện những khuyết điểm của bản thân bởi chính sự tự tin trong mình. 

Ngạc nhiên thay, tôi còn phát triển thêm nhiều kỹ năng mới ngoài sự tự tin. Tôi bắt đầu các cuộc tranh luận với những đại biểu khác, liên tục phát triển, học hỏi và thích nghi với văn hóa của Mô hình Liên Hiệp Quốc. Tôi đã quen được rất nhiều người bạn mới, nhiều đến nỗi tôi không thể đếm được. Đó chính là điều kỳ diệu tại YMUN. Tôi đã thật sự mở rộng tầm mắt khi được nhìn thấy một thế giới  vượt ra bên ngoài những điều mà tôi biết đến trước đây. Điều này khiến tôi nhận ra rằng bản thân mình nhỏ bé như thế nào và cũng hiểu rằng tôi có thể trở nên đặc biệt như thế nào. 

1

Chương trình đào tạo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc 

Nếu như những trải nghiệm tại YMUN là bước đi đầu tiên giúp tôi tìm lại sự tự tin, thì cơ hội được tham gia chương trình đào tạo tại Liên Hợp Quốc chính là bước tiến tiếp theo để tôi học tập và trưởng thành nhiều hơn. 
Tôi vô cùng hân hạnh khi được gặp gỡ rất nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng, những người đang từng ngày nhiệt thành cùng kiến tạo nên thế giới hiện tại của chúng ta. 
Tôi rất trân trọng và biết ơn những đại diện Liên Hợp Quốc đã dành thời gian để chia sẻ thông tin về tình hình thế giới cũng như luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi từ những người trẻ như chúng tôi.
Tôi như một đứa trẻ lần đầu trong đời được bước vào trụ sở chính tại New York với bao điều mới mẻ khi được xem triển lãm lịch sử thế giới, tận mắt quan sát những buổi họp trực tiếp tại phòng hội nghị và hơn hết, những điều mới tôi học được từ những đại biểu của Liên Hợp Quốc. 

Lịch trình của chúng tôi dày đặc xuyên suốt 5 ngày. Tôi đắm mình trong công việc từ lúc bình minh cho đến khi hoàng hôn. Trong suốt khoảng thời gian tại trụ sở, tôi đã học hỏi từ bạn bè cũng như rèn luyện thêm nhiều thói quen tích cực. Điều đọng lại nhiều nhất trong tôi đó chính là bài phát biểu của cô Angelica Shameria, một chuyên gia về môi trường tại Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Cô ấy đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều về thay đổi khí hậu. Cô ấy luôn minh bạch và thẳng thắn với những câu trả lời của mình và điều đó thật sự rất thu hút. Một cụm từ quen thuộc chúng ta thường nghe hằng ngày đó chính là “hãy bảo vệ Trái Đất”, tuy nhiên rất ít người trong chúng ta thật sự hiểu được mức độ thiệt hại mà con người đã gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta. Bài phát biểu của cô ấy đã giúp tôi mở mang tầm mắt và tiếp thêm động lực để trở thành một cá nhân tích cực. Tôi sẽ phấn đấu để tham gia thêm nhiều chiến dịch trong tương lai nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trước việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. 

Tôi đã rất nhớ nhà trong khoảng thời gian tham gia sự kiện ý nghĩa này. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ bởi tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhớ quê nhà nhiều đến thế. Khi bạn ở một nơi với quá nhiều sự đa dạng như vậy, sẽ rất khó gặp những người giống như bạn. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho trải nghiệm tại Liên Hợp Quốc thật đặc biệt hơn bao giờ hết. Tôi thật tự hào khi là người Việt Nam duy nhất trong khán phòng Liên Hiệp Quốc lúc ấy. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc mà tôi được yêu cầu giới thiệu bản thân mình, và trong tất cả tình huống tương tự, tôi đều bắt đầu rằng “Tôi là học sinh của Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, và tôi đến từ Việt Nam”.