Skip to main content

Du học ... tại chỗ

(Bài đăng trên báo Người Lao Động Xuân Kỷ Hợi 2019) 

Hàng năm, người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du học - chứng tỏ du học tự túc đang ngày càng phổ biến tại nước ta. Nắm được xu hướng đó, nhiều trường quốc tế được mở ở Việt Nam để giúp học sinh lấy bằng tú tài quốc tế tại chỗ.

Tháng 12-2018 vừa qua, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Ban Quản lý Dự án Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS) đã giới thiệu về VFIS – một mô hình giáo dục Phần Lan kiểu mẫu tại TPHCM. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có trường phổ thông quốc tế bên trong một trường ĐH công lập.

VFIS có tổng diện tích hơn 40.000 m2, xây dựng trong khuôn viên trụ sở chính của trường ĐH Tôn Đức Thắng. VFIS do đội ngũ kiến trúc sư Phần Lan trực tiếp thiết kế, giám sát thi công. Các trang thiết bị dạy học đều hiện đại, giá trị giáo dục cao và được sự cố vấn kĩ lưỡng của đội ngũ chuyên gia Phần Lan.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn VFIS, cho biết: “ VFIS có hai chương trình giáo dục được triển khai song song, gồm chương trình quốc tế và chương trình song ngữ tích hợp. Cả hai đều giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn của Cambridge, bảo đảm học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ đạt điểm IELTS 6.5”.

Chương trình quốc tế được dạy – học bằng tiếng Anh 100%, do giáo viên Phần Lan và Quốc tế đảm nhận, dựa theo chương trình giáo dục phổ thông Phần Lan và chương trình International Baccalaureate để thi lấy bằng tú tài quốc tế. Học sinh vẫn được học bổ sung các môn bằng tiếng Việt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình song ngữ tích hợp được dạy học bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Trong đó số giờ học bằng tiếng Anh tăng dần qua các năm, luôn đảm bảo bằng và cao hơn số giờ học bằng tiếng Việt. Chương trình do giáo viên Việt Nam, Phần Lan và Quốc tế giảng dạy theo phương pháp giáo dục Phần Lan, được biên soạn dựa trên chương trình phổ thông Phần Lan tích hợp với mộ số nội dung trong chương trình Việt Nam. Học sinh có thể thi lấy bằng tú tài Việt Nam sau khi hoàn tất chương trình.

Dự kiến năm học 2019-2020, VFIS sẽ tuyển sinh chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi khối 2 – 4 lớp, mỗi lớp 20 – 25 học sinh. Học sinh sẽ nhập học vào tháng 8 -2019.

Lớp học mẫu tại Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan trong trường ĐH Tôn Đức Thắng

 

Theo bà Thu Huyền, Trường ĐH Tôn Đức Thắng mong muốn xây dựng một mô hình giáo dục thành công, không chỉ ở bậc ĐH. Trường kỳ vọng đào tạo nên những học sinh – sinh viên đủ đức, đủ tài qua việc phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Các em được giáo dục toàn diện về thái độ, kỹ năng, kiến thức, tư duy để trở thành những công dân tinh hoa.

“Thực tế cho thấy 4-5 năm ở bậc ĐH là không đủ để đào tạo nên những người toàn diện về tư duy, đạo đức và kỹ năng để đối mặt, xử lý, lãnh đạo trong một thế giới luôn có nhiều thách thức và biến động. Là trường phổ thông quốc tế đầu tiên được thành lập bên trong một trường ĐH công lập, VFIS mang sứ mệnh thay đổi và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Mô hình VFIS nếu thành công sẽ mang lại bài học kinh nghiệm hữu ích cho các trường học phổ thông khác” – bà Huyền nhìn nhận.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có 150.000 du học sinh, trong đó 90% là du học tự túc, chủ yếu tại Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Anh, Pháp. Thống kê cho thấy hiện số lượng du học sinh Việt Nam nhiều thứ 3 tại Nhật, thứ 6 tại Mỹ... Gần đây, Canada cũng là điểm đến của rất nhiều du học sinh Việt Nam.

Nếu trước đây, chỉ gia đình giàu có mới có thể cho con em đi học nước ngoài tự túc thì nay, còn nhiều con đường để học sinh du học. Học sinh đi du học cũng có xu hướng ngày càng sớm hơn. Nhiều gia đình cho con em đi học nước ngoài ngay sau khi xong THCS, thay vì hết THPT như trước. Thế nhưng, nói gì thì nói, du học nước ngoài cũng không phải là lựa chọn của số đông phụ huynh, vì nhiều lý do.

Chị Lê Thiên Phúc – ngụ quận 7, TP.HCM băn khoăn: “Gia đình tôi rất muốn cho 2 con đi du học để tương lai được bảo đảm hơn nhưng điều kiện kinh tế không kham nổi. Chưa kể, để các con một thân một mình sinh sống, học hành ở xứ người, vợ chồng tôi cũng không thể yên tâm”.

Trong khi đó, hay tin một trường phổ thông quốc tế vừa được thành lập trong trường ĐH công lập ở Việt Nam, chị Trần Kim Hoa – ngụ quận Tân Bình, TP HCM – khẳng định sẽ cho con trai theo học, dù gia đình từng dự tính cho cậu du học Thụy Điển sau khi hoàn tất THCS. “Sau khi con trai học xong lớp 1 vào năm 2019, tôi sẽ đăg ký cho cháu vào học tại VFIS. Gia đình tôi đã nghiên cứu kỹ về giáo dục Phần Lan. Họ dạy theo hướng mở, chú ý phát triển tiềm năng học sinh chứ không giáo điều” – chị Hoa bày tỏ.

Nhiều chuyên gia tư vấn du học cho biết giáo dục Phần Lan luôn chú trọng phát triển con người. Học sinh được đào tạo không phải để chiến thắng các cuộc thi, để đạt điểm số cao mà là nhằm phát triển toàn diện, có thể thích nghi và tồn tại trong xã hội. Giáo dục Phần Lan không đưa học sinh vào khuôn khổ mà giúp các em phát hiện và phát huy tố chất vốn có. Do đó, trường học là nơi rất bình đẳng, mọi học sinh đều hưởng những cơ hội ngang nhau, được tự do phát triển cá tính, nguyện vọng và tài năng.

Huy Lân                                                                                                                                                 

Báo Người Lao Động Xuân Kỷ Hợi 2019 phát hành ngày 15/01/2019.