Có thể chúng ta đã hiểu sai về giáo dục Phần Lan
Giáo viên người Phần Lan nói rằng đúng là trẻ tiểu học nước này không áp lực học tập, nhưng học sinh THCS và THPT vẫn áp lực vì tương lai học tập phụ thuộc vào bảng điểm
Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Tri thức - Znews đã có buổi trò chuyện với hai giáo viên người Phần Lan về những quan điểm, triết lý trong giáo dục để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc. Ngoài ra, hai cô giáo cũng nói thêm về những sự thật trong hệ thống giáo dục nước này mà có thể chúng ta đang hiểu nhầm.
Học sinh vẫn áp lực với điểm số
Bàn về câu chuyện giáo dục tại Phần Lan, cô Miekk-Oja Suvi Kristiina, Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho biết tại nước này, mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt.
Từ bé, các học sinh đã được dạy rằng mỗi người đều đang học và sẽ được học từ những sai lầm. Do đó, thay vì trốn tránh, trẻ em Phần Lan được dạy cách đối mặt và chủ động tìm cách giải quyết những thách thức hàng ngày.
Còn về áp lực học tập, truyền thông thế giới vẫn luôn viết rằng học sinh Phần Lan không có áp lực khi đi học.
Thực tế, cô Kristiina nói rằng đúng là học sinh tiểu học không có áp lực bài tập về nhà, cũng không có áp lực điểm số. Hơn nữa, trẻ sẽ bắt đầu tham gia giáo dục bắt buộc từ 7 tuổi - độ tuổi mà người Phần Lan cho rằng các em đã sẵn sàng để đi học.
Tuy nhiên, cô hiệu trưởng lưu ý rằng học sinh THCS và THPT vẫn căng thẳng vì học tập như học sinh ở các nước khác. Đặc biệt là với học sinh cuối cấp THCS vì tương lai học tập của các em sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bảng điểm. Học sinh THPT cũng có những áp lực riêng khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa trưởng thành.
Dù áp lực học tập, học sinh Phần Lan vẫn duy trì được sự hạnh phúc khi đến trường. Cô Kristiina cho rằng lý do nằm ở việc trẻ luôn được cha mẹ khuyến khích thảo luận nhiều vấn đề, được cùng cha mẹ tham gia các hoạt động mang tính gắn kết như chuẩn bị bữa ăn, chơi thể thao…
Tương tự, cô Myllyluoma Ulla-Maija, giáo viên người Phần Lan đang dạy học tại TP.HCM, nói rằng sự hạnh phúc của trẻ em Phần Lan bắt nguồn từ sự khuyến khích từ cha mẹ.
Cụ thể, trẻ em được suy nghĩ độc lập và các em có quyền không đồng ý với quan điểm của cha mẹ. Khi cha mẹ - con cái có quan điểm trái chiều, cả nhà sẽ dành thời gian bên nhau để thảo luận.
Một điều nữa là ngoài việc học văn hóa, học sinh Phần Lan được dạy thêm về kỹ năng chánh niệm và nhận thức. Lý do là người lớn mong muốn tạo cơ hội cho trẻ thử nghiệm, khám phá, học tập tích cực, hoạt động thể chất và vui chơi.
Người Phần Lan hạnh phúc không phải vì nhiều tiền
Trẻ em Phần Lan hạnh phúc dù vẫn gặp những áp lực nhất định từ chuyện học tập. Và không riêng trẻ em, trong 6 năm gần đây, quốc gia này giữ vị trí số một trong xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Bàn về vấn đề này, cô Miekk-Oja Suvi Kristiina nói rằng việc xếp hạng được thực hiện dựa trên các chỉ số khác nhau. Cách các chỉ số này được lựa chọn và tính trọng số sẽ tạo ra các kết quả xếp hạng khác nhau.
Ví dụ như ở thời điểm hiện tại, các chỉ số có lợi đối với quốc gia Bắc Âu, nơi có an sinh xã hội cao cũng như các điều kiện và lợi ích việc làm tốt chứ không phải vì dư dả về mặt kinh tế và cũng không phải vì người Phần Lan ít gặp thử thách trong cuộc sống.
“Người dân Phần Lan được tự do lựa chọn nơi làm việc, họ có thời gian riêng và có rất nhiều cơ hội để xây dựng cuộc sống theo ý muốn. Tuy nhiên, văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân cũng tồn tại những nhược điểm nhất định”, cô Kristiina thông tin.
Là một nhà giáo, cô Kristiina định nghĩa hạnh phúc là cảm giác thoải mái xuất phát từ bên trong. Lấy ví dụ với hai người có hoàn cảnh giống hệt nhau, một người có thể hạnh phúc còn người kia lại không hài lòng. Nhìn chung, sự hạnh phúc cũng rất khó để xác định và đó cũng là thử thách khi chúng ta cố gắng đo lường.