Skip to main content

Giáo viên nước ngoài sốc văn hóa khi lần đầu đón Tết Việt Nam


Cô Laroma Sophia Lydia (người Phần Lan) sốc vì cứ đến Tết là đường phố vắng tanh, còn thầy O'meara Luke Edward (người Australia) bất ngờ vì người Việt đón Tết với quy mô quá lớn. 

 

2
Thầy O'meara Luke Edward diện áo dài, cùng học sinh tham gia hội Tết ở trường

 

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm và chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng với người Việt Nam. Và đối với giáo viên nước ngoài, những người sinh ra ở các nước không có văn hóa đón Tết âm lịch, Tết Nguyên đán vừa quen, vừa lạ.

Quen vì họ đã từng được nghe và có thể từng trải qua vài cái Tết ở Việt Nam, lạ là vì dù đã biết Tết là gì, văn hóa Tết Việt vẫn còn nhiều điều mới mẻ khiến họ bất ngờ, tò mò và muốn khám phá thêm.

Sốc văn hóa vì Tết Việt quá hoành tráng

Chia sẻ với Tri thức - Znews về những trải nghiệm đón Tết Nguyên đán, cô Laroma Sophia Lydia, người Phần Lan, giáo viên tại một trường quốc tế ở TP.HCM, cho biết 2024 sẽ là năm thứ tư cô được đón Tết cổ truyền của Việt Nam.

Cô Sophia vẫn còn nhớ như in lần đầu đón Tết Việt là vào năm 2021. Năm đó, vào những ngày cận Tết, cô cảm nhận rõ sự thay đổi của cảnh vật và nhịp sống hả của mọi người trong thành phố. Cứ càng gần Tết, mọi người lại càng bận rộn cho việc mua sắm và trang hoàng nhà cửa, đường phố.

Với người lần đầu trải nghiệm Tết cổ truyền ở một đất nước mới như cô Sophia, điều làm cô “sốc văn hóa” nhất chính là đường phố TP.HCM vắng tanh trong những ngày Tết.

Cô giáo đã từng nghĩ rằng ngày Tết ở thành phố lớn sẽ rất đông đúc, nhộn nhịp và nhiều hoạt động giải trí thú vị, nhưng hóa ra mọi chuyện đều trái ngược. Đường phố không một bóng người, các điểm vui chơi, hàng quán cũng gần như đóng cửa hết.

Dù hơi sốc vì Tết Việt hơi khác so với tưởng tượng, cô Sophia vẫn rất hào hứng vì TP.HCM luôn trang trí Tết rất đẹp mắt, nhiều màu sắc. Đặc biệt, điều khiến cô thêm yêu ngày Tết Việt Nam chính là pháo hoa rực rỡ, những món ăn ngon và sự hiếu khách, niềm nở của mọi người.

“Người Việt Nam luôn làm việc rất chăm chỉ và Tết Nguyên đán chính là dịp để họ thư giãn và quây quần bên gia đình. Nét đẹp truyền thống này khiến tôi rất ấn tượng”, cô Sophia nói.

Trong khi đồng nghiệp đã nhiều lần đón Tết ở Việt Nam, thầy O'meara Luke Edward, người Australia, giáo viên tiểu học tại TP.HCM, lại chưa được đón Tết Việt Nam lần nào. Dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới sẽ là lần đầu tiên thầy giáo được trải nghiệm kỳ nghỉ hoành tráng nhất tại Việt Nam.

Thầy Luke cùng vợ và hai con chuyển đến Việt Nam vào tháng 6/2023 nên bản thân thầy chưa từng được tận mắt nhìn thấy Tết cổ truyền của người Việt ra sao. Những ngày gần đây, khi đi làm hoặc cùng vợ con đi dạo, thầy Luke rất ngạc nhiên vì người Việt đón Tết Nguyên đán với quy mô rất hoành tráng.

Tại Australia, nơi thầy giáo sinh ra và lớn lên, năm mới cũng là dịp mọi người quây quần bên bàn tiệc để cùng nhau kỷ niệm. Tuy nhiên, thầy Luke thấy rằng người Việt Nam chú trọng rất nhiều đến truyền thống và phong tục trong dịp Tết, như trang trí nhà cửa đẹp mắt, mua sắm nhiều đồ ăn và trang phục đón Tết cũng rất rực rỡ, tươi mới.

“Tôi thấy người Việt trang trí Tết rất hấp dẫn. Lần đầu tiên tôi thấy mọi người dùng hoa khô, bánh chưng để trang trí Tết. Mọi thứ đều rất lạ mắt nhưng tôi nghĩ đây cũng là cơ hội tuyệt vời để tôi tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”, thầy giáo chia sẻ.

3
Cô Sophia cũng mặc áo dài và cùng học sinh tham gia các hoạt động đón Tết Nguyên đán tại trường

 

Nhập gia tùy tục

Lần đầu cùng vợ con đón Tết ở một đất nước mới, thầy Luke dự định sẽ chỉ ở nhà và dành thời gian cho bạn bè tại TP.HCM. Điều mà thầy cảm thấy may mắn là bạn bè người Việt giúp đỡ thầy rất nhiều trong việc chuẩn bị đón Tết, từ việc trang trí nhà cửa cho đến đặt mua bánh chưng, thịt gà và đồ ngọt.

Khi được hỏi về việc cúng Ông Công, ông Táo, thầy Luke nói rằng đây là điều hoàn toàn mới đối với thầy. Do là năm đầu tiên, gia đình thầy chưa biết cách thực hiện nghi lễ này và dự định năm sau sẽ thử sắm mâm lễ để cúng đưa ông Táo về trời.

Xác định sẽ định cư ở Việt Nam lâu dài, thầy Luke và vợ bắt đầu học thêm về văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Cả hai cùng nhau tham gia một lớp học nấu ăn và mới đây học được cách nấu cá theo kiểu của người Việt.

Trong dịp Tết này, vợ chồng thầy sẽ cùng nhau nấu mâm cỗ Tết và chuẩn bị mâm ngũ quả như cách người Việt Nam vẫn thường làm trong dịp Tết Nguyên đán.

“Tết này chúng tôi sẽ dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Tôi rất mong có thêm nhiều trải nghiệm mới thú vị trong dịp lễ đặc biệt này. Các con của tôi cũng rất mong đến Tết để được nhận lì xì”, thầy Luke hào hứng nói.

Nhập gia tùy tục cũng là điều mà cô Sophia đang hướng đến trong dịp Tết này. Dù là người nước ngoài và chưa hoàn toàn hiểu hết về Tết Nguyên đán, cô giáo vẫn luôn cố gắng hòa nhập và tham gia nhiều hoạt động đón Tết cùng bạn bè Việt Nam.

Cô giáo cho biết cứ đến dịp Tết, nhiều bạn bè người Việt lại mời cô đến nhà ăn uống. Hàng năm, cô cũng tham gia các sự kiện đón Tết do nhà trường tổ chức như nấu bánh chưng, đi chùa, lì xì cho trẻ em và chơi các trò chơi truyền thống.

Những hoạt động đón Tết của Việt Nam đều rất mới mẻ đối với cô Sophia, nhưng điều đó cũng phần nào giúp cô nhớ về những ngày lễ lớn ở Phần Lan - quê hương của cô.

Tại Phần Lan, Giáng sinh và năm mới là 2 ngày lễ quan trọng nhất. Cô Sophia nhận thấy điểm tương đồng giữa Giáng sinh, năm mới của Phần Lan và Tết Nguyên đán của Việt Nam chính là các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần, thưởng thức những món ăn truyền thống và ngắm pháo hoa.

“Nhìn chung, Tết Việt và Tết ở Phần Lan có một số điểm chung. Còn khác biệt lớn nhất chính là người Phần Lan sẽ đi tắm hơi trong năm mới. Đây là một nét văn hóa rất quan trọng đối với các gia đình Phần Lan vì dịp năm mới ở nước chúng tôi thường rất lạnh”, cô Sophia chia sẻ.

Năm nay, Tết Nguyên đán của cô Sophia rất khác vì bạn thân ở Phần Lan sẽ bay đến Việt Nam để đón Tết cùng cô. Cô giáo dự định đưa bạn đi trải nghiệm những hoạt động đón Tết của người Việt, đi du lịch Phú Quốc. Ngoài ra, cô Sophia cũng sẽ dành thời gian ghé thăm gia đình những người bạn Việt Nam và quyết tâm “chinh phục” tiếng Việt.

Thẻ